DNVN – Hiện nay, để bảo vệ người tiêu dùng không bị mua phải tổ yến bị làm giả, làm nhái trà trộn bán ra thị trường hiện nay nhiều nhà yến đã áp dụng mã QRcode cho sản phẩm yến của mình. Người mua chỉ cần dùng điện thoại thông minh, quét mã sẽ ra các thông tin của nhà yến.
Nghề nuôi yến sào Việt Nam là ngành cho giá trị kinh tế cao, dù chưa có báo cáo chính thức từ Hiệp hội Yến sào Việt Nam song theo nguồn tin riêng của Doanh nghiệp Việt Nam, ước tính sản lượng yến sào năm 2020 đạt từ 120-150 tấn, với mức giá yến thô bình quân từ 20 triệu đồng/kg, doanh thu thị trường yến sào có thể đạt con số trên dưới 3.000 tỷ đồng. Có thể nói đây là ngành chăn nuôi có thể đem lại giá trị kinh tế lên đến hàng nghìn tỷ mỗi năm.
Thị trường yến sào Việt Nam hiện hay ngoài xuất khẩu chính ngạch thì chủ yếu là xuất khẩu qua đường tiểu ngạch và xách tay cho các thị trường có đông cộng đồng người Hoa trên thế giới như: Trung Quốc, Đài Loan, Hồng Kông, Canada, Mỹ và cộng đồng người dùng yến trên toàn thế giới. Một số lượng lớn tiêu thụ nội địa trong nước cũng ngày càng gia tăng đáng kể.
Theo ông Phạm Duy Khiêm, Chủ tịch Hiệp hội Yến sào Phú Yên, yến sào nuôi trên địa bàn tỉnh Phú Yên hiện bán theo hai con đường xuất khẩu tiểu ngạch và tiêu thụ trong nước.Thị trường trong nước tiêu thụ mạnh nhất là các TP lớn như Hà Nội,TP HCM, Đà Nẵng, Hải Phòng.
Ông Phạm Duy Khiêm cho biết thêm, ngành yến sào Việt Nam đang có lợi thế rất lớn so với các nước trong khu vực có nuôi chim yến như Indonesia, Malaisia, Thái Lan, Philippines, Campuchia… Chất lượng tổ yến Việt Nam đang được xếp loại cao trong khu vực vì nhiều yếu tố tạo nên, như loài chim yến tại Việt Nam cũng khác với loài chim yến tại các nước khác, do đó cho ra tổ yến loại tuyệt vời cả về chất lượng lẫn hình thức mà thế giới ưa thích. Cho nên cạnh tranh về chất lượng thì Việt Nam chúng ta sẽ đứng đầu trong tương lai.
Tuy nhiên so với với các nước thì ngành yến Việt Nam ra đời rất trễ và chưa được Nhà nước có chính sách khuyến khích phát triển sớm như các nước khác. Ví dụ, tới năm 2020 thì Malaisia đã có trên 16 năm trong việc xuất khẩu chính ngạch và 1 số nước trong khu vực Đông Nam Á có nuôi yến đều đi trước Việt Nam. Do đó, những hộ nuôi yến, kinh doanh yến rất cần có chính sách hỗ trợ phát triển để nghề yến có thể phát triển đúng quy hoạch, phát huy hết tiềm năng lợi thế.
Dự báo về thị trường yến sào năm 2021, ông Phạm Duy Khiêm cho rằng: “Dự báo 2021 thị trường yến sẽ khởi sắc hơn so với năm 2020”. Bởi vì, ngành yến Việt Nam sẽ bước sang giai đoạn mới cả về kĩ thuật chăm sóc nhà yến với công nghệ 4.0, cũng như trí tuệ nhân tạo đang được Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam nghiên cứu có tham khảo và phối hợp với Hiệp hội Yến sào Việt Nam, dự kiến công nghệ mới sắp đưa vào ứng dụng sớm sẽ hỗ trợ nghề nuôi yến Việt Nam phát triển mạnh. Hiện nay đã có các công ty nghiên cứu công nghệ ứng dụng hỗ trợ nghề nuôi chim yến, ứng dụng công nghệ IoTs (Internet of Things) trong quản lý thiết bị nhà yến, công nghệ thiết bị đang được sử dụng, các giải pháp nhằm phát triển bền vững nghề nuôi chim yến.
Khi ứng dụng các kỹ thuật mới trong vận hành nhà yến, việc ứng dụng công nghệ cao sẽ giúp sản lượng yến sào cũng như chất lượng, giá cả sẽ đi lên đồng đều nhau, cho ra đời các sản phẩm tổ yến có độ thẩm mĩ và chất lượng, hàm lượng dinh dưỡng tốt hơn trước.
“Các chủ nhà yến sắp tới nên bám sát vào các kĩ thuật vận hành mới từ phía Hiệp hội Yến sào Việt Nam, sớm ứng dụng vào nhà yến của mình cho ra đời tổ yến đẹp và chất lượng hơn, để có giá trị kinh tế cao hơn trước, tiến đến xuất khẩu đúng theo yêu cầu phía đối tác”, ông Phạm Duy Khiêm nói.